Công nghệ

Trung Quốc đào tạo nửa triệu chuyên gia blockchain

Trung tâm Đổi mới công nghệ blockchain Trung Quốc (NBTIC) dự kiến đào tạo 500.000 người thành chuyên gia công nghệ sổ cái phân tán (DLT) cho nước này.

NBTIC được Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phê duyệt vào tháng 2 và chính thức hoạt động từ 10/5 tại Bắc Kinh. Mục tiêu của trung tâm là hợp tác với các trường đại học địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm liên tục đào tạo thế hệ chuyên gia DLT mới, đẩy mạnh phát triển công nghệ blockchain ở Trung Quốc.

Nòng cốt của NBTIC là Học viện Điện toán biên và blockchain Bắc Kinh, nơi phát triển thành công ChainMaker, một blockchain được đánh giá có tiềm năng lớn. Hiện ChainMaker được một nhóm gồm 50 tập đoàn hỗ trợ, hầu hết thuộc sở hữu nhà nước như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và hãng viễn thông China Unicom.

Theo giáo sư Zheng Zhiming, hiện giảng dạy tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh và là thành viên của NBTIC, nhiệm vụ của trung tâm là kết nối các "đảo blockchain" trên toàn quốc thành một mạng lưới gắn kết duy nhất. "Việc kết nối các nền tảng ứng dụng blockchain cũng như tổng hợp hệ sinh thái ứng dụng về công nghệ này sẽ tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong các lĩnh vực cốt lõi", Zhiming nói. Cũng theo ông, NBTIC sẽ đẩy nhanh xây dựng các cụm điện toán blockchain "ở quy mô cực lớn" và 500.000 chuyên gia đầu tiên sẽ là nền móng cho tham vọng này. Những người ủng hộ blockchain cho rằng công nghệ này có thể đem lại sự minh bạch và đẩy nhanh tốc độ cho các quy trình vốn diễn ra chậm và tốn kém, chẳng hạn chuyển tiền xuyên biên giới. Trong đó, ứng dụng hợp đồng thông minh (smart contract) được kỳ vọng là chìa khóa trong các lĩnh vực như tài trợ thương mại. Trung Quốc hiện nói không với tiền số - một trong những ứng dụng phổ biến nhất của blockchain. Tuy nhiên, nước này ủng hộ phát triển blockchain phục vụ các lĩnh vực khác nhau, coi đây là bước đột phá quan trọng trong đổi mới, tự chủ công nghệ cốt lõi. Những năm qua, Trung Quốc từng bước xây dựng một nền tảng riêng nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai công nghệ blockchain cho các tổ chức và doanh nghiệp trong nước. Nền tảng này được gọi là Mạng dịch vụ dựa trên blockchain (BSN). Việc xây dựng diễn ra âm thầm, không phô trương nhưng được cho là đã có một số bước tiến quan trọng.